Ngày cập nhật 18/09/2012
17:19
(TTH) - Rất nhiều người yêu nhạc Phạm Duy
và sinh viên ở Huế đã có dịp được thưởng thức một chương trình ca nhạc và giao
lưu vô cùng đặc biệt, đó là đêm nhạc Phạm Duy - "Tôi yêu tiếng nước
tôi" tràn đầy cảm xúc vào tối chủ nhật 16-9. Chương trình này đã là niềm
mong đợi từ lâu của những người yêu nhạc Phạm Duy ở Huế, chẳng thế mà dù còn
hơn nửa tiếng nữa chương trình mới bắt đầu, nhưng mới 7h tối, hội trường giảng
đường I, Trường đại học Sư phạm Huế hầu như đã kín chỗ.
7h30’ nhạc sĩ Phạm Duy bước vào hội trường
trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt của khán giả. Mái tóc bạc như cước, dáng
người cao lớn trong bộ vest đỏ, quần trắng, trông ông toát lên vẻ phong lưu dù
đã ở tuổi 92.
Hơn 90 tuổi đời, nhạc sĩ Phạm
Duy, cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, đã có trên dưới 70 năm sáng tác với
một gia tài âm nhạc đồ sộ, hơn một ngàn ca khúc và một ngàn ca khúc khác từ phổ
thơ, đặt lời mới cho dân ca... với đủ các thể loại, trong đó có không ít ca
khúc viết về Huế. Ở thể loại nào, ông cũng thành công và mang lại cho người
nghe những nhạc phẩm thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, yêu con người và yêu
mình.
Suốt 3 giờ đồng hồ với sự dẫn dắt nhẹ
nhàng mà dí dỏm của nhà văn Nguyễn Đông Thức cùng với giọng hát có hồn và lối
thể hiện rất duyên của ca sĩ Đức Tuấn, người nghe đã được dẫn dắt qua những
cung bậc cảm xúc khác nhau trong các nhạc phẩm vang bóng một thời của Phạm Duy.
Từ quá khứ với bài Kỷ niệm “Cho tôi lại ngày nào/Trăng lên bằng ngọn
cau/Me tôi ngồi khâu áo/Bên cây đèn dầu hao/Cha tôi ngồi xem báo/Phố xá vắng
hiu hiu”... đến những mối tình thơ, mối tình của tuổi mộng mơ mới lớn trong
ca khúc Ông trăng đến chơi, Cây đàn bỏ quên, Trên đồi xuân. Giọng hát
truyền cảm của Đức Tuấn và ca từ đẹp đẽ trong Ngày xưa Hoàng Thị đã thực
sự để lại trong lòng người nghe quá nhiều cảm xúc về mối tình một thuở học trò
tuyệt đẹp “Em tan trường về đường mưa nho nhỏ/Vai nghiêng tập vở, tóc dài tà
áo vờn bay/Em đi dịu dàng bờ vai em nhỏ/Chim non lề đường nằm im dấu mỏ/Anh
theo Ngọ về gót giày lặng lẽ đường quê...”.
Sau thế hệ vàng Thái Thanh, Duy Quang, Đức
Tuấn được đánh giá là ca sĩ trẻ hát thành công nhạc Phạm Duy. Tại đêm nhạc lần
này, khán giả Huế đã được thưởng thức các cảm xúc cung bậc trong tình yêu từ nỗi
buồn khắc khoải, dữ dội, cuồng nhiệt và đến cao thượng trong các ca khúc viết về
tình yêu của Phạm Duy qua giọng hát bằng tất cả cảm xúc của Đức Tuấn. Từ ca
khúc Kiếp nào có yêu nhau “Kiếp nào có yêu nhau/Thì xin đừng đến
thương đau/Hoa xanh khi chưa nở/Tình xanh khi chưa lo sợ” đến Nghìn
trùng xa cách “Còn gì đâu nữa/Mà khóc với cười/Còn gì đâu nữa/Mà giữ cho người”
hay Phượng yêu “Yêu người như lá đổ chiều đông/Như mây hồng chưa tím/Như con
chim khóc trong lồng/Như cơn giông đêm hè/Tình ta nức nở canh khuya/Yêu người
như suối cuộn rừng sâu/Như con tầu say gió/Như con giun ngước lên trời/Yêu
trăng sao vời vợi/Làm sao sao nói được tình tôi... ”.
Chương trình giao lưu ca nhạc Phạm Duy -
Tôi yêu tiếng nước tôi do Đoàn Đại học Huế, Nhóm những người bạn Cố đô Huế và
Công ty văn hóa Phương Nam tổ chức. Chương trình có sự tham gia của ca sĩ Đức
Tuấn, khách mời đặc biệt nhà văn Nguyễn Đông Thức (MC cho chương trình), sự hiện
diện của nhạc sĩ Phạm Duy, cùng sự tham gia của một số giảng viên Học viện Âm
nhạc Huế và sinh viên trong đội văn nghệ của Trường đại học Sư phạm Huế. Đã có
rất nhiều đêm nhạc trên khắp các vùng đất nước, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ
ngày trở về quê hương định cư, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành một chương trình để
giao lưu với sinh viên.
Cũng đã lâu, đến đêm nhạc Phạm Duy lần
này, người yêu nhạc Phạm Duy ở Huế mới lại có dịp được thưởng thức những nhạc
phẩm kháng chiến của ông như: Bà mẹ Gio Linh, Màu tím hoa sim, Ngày trở về...
Trước sự thể hiện quá thành công và xúc động những ca khúc này của Đức Tuấn,
nhà văn Nguyễn Đông Thức đã phải thốt lên rằng: “Đã nhiều lần nghe Tuấn hát Bà
mẹ Gio Linh nhưng lần này tôi thấy Đức Tuấn hát hay nhất, cảm xúc nhất”, và
những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả đã nói lên điều đó.
Một
chủ đề nữa rất thành công của Phạm Duy được trình bày tại đêm nhạc là những ca
khúc viết về tình yêu quê hương đất nước. Phạm Duy từng nói “chỉ có tình quê
hương, tình tự dân tộc là tình xanh mãi mãi. Đó là tình yêu cao nhất, nguyên thủy
và vĩnh cửu”. Bởi vậy, ông đã gửi tình cảm yêu thương ấy vào những bản tình ca
bất hủ thấm đẫm tình tự dân tộc như Tình ca, Tôi yêu tiếng nước tôi “Tôi yêu
tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À à ơi!
Tiếng ru muôn đời/Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/Khóc cười theo
mệnh nước nổi trôi, nước ơi/Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi/Thoắt
nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi”...
Giao lưu với khán giả,
Phạm Duy nói ông cảm thấy thật hạnh phúc khi tham dự chương trình này và dí dỏm:
“Tôi cảm thấy mình không phải ở tuổi 92 mà là 29”. Cũng vì “yêu đời, yêu người
và yêu mình; cố gắng yêu được nhiều thứ như thế nên tôi viết được 1.000 ca
khúc”, Phạm Duy nói.
Ngọc Hà